Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Tết Nguyên Tiêu



“Lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng” nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu trong tâm thức người Việt và những dân tộc Á Đông nói chung. Tết Nguyên tiêu - đêm trăng sáng đầu tiên của một chu kỳ xuân mới, ánh trăng chiếu sáng khắp miền hạ giới sau một mùa đông dài tối tăm, lạnh lẽo.
Tết Nguyên Tiêu đánh dấu sự kết thúc tháng “ăn chơi” để bắt tay vào công việc của một năm mới. Tết Nguyên Tiêu cũng gọi là Nguyên Tịch, Nguyên Dạ còn gọi là Tết Thượng Nguyên. Nguyên tiêu nghĩa là đêm trăng đầy nhất của tháng đầu tiên trong năm, tức rằm tháng giêng. Đêm trăng sáng khởi đầu của một năm mới với hương khí tinh nguyên của tiết trời ấm lành, tràn đầy sức sống mùa xuân.
Tùy thuộc vào văn hóa tín ngưỡng của mỗi vùng miền, ngày rằm tháng Giêng trong dân gian khác nhau nhưng mang ý nghĩa lớn nhất là cầu phúc. Rằm tháng Giêng là một trong 4 ngày rằm lớn trong năm mà người Việt đặc biệt là Phật tử thường viếng chùa lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.
 
Đi lễ chùa đầu năm, một nét đẹp văn hóa tâm linh.
So với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu Lan) thì rằm tháng giêng không quan trọng bằng. Tuy nhiên, về phương diện tự lợi trong cuộc sống mưu sinh thì rất quan trọng. Vì rằm tháng Giêng đã trở thành ngày hội cầu an cho bản thân của mỗi người. Trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội rằm tháng Giêng thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”.
Tại các nhà thờ họ, trưởng họ, trưởng tộc thường triệu tập những thanh niên học cao, hiểu rộng, có tài và đức lên đọc bản báo cáo thành tích một năm hoạt động với tổ tiên. Qua đó để thấy được sự hưng vượng của dòng họ và giáo dục các thế hệ con cháu một cách tốt nhất. Sau đó, các bô lão tổ chức ngắm trăng, thi đọc thơ hoặc chơi tổ tôm, tam cúc. Sau ngày này, họ thường cất hoặc đốt những bộ trò chơi này đi để thúc giục con cháu khởi động một năm mới làm việc chăm chỉ, thi cử đỗ đạt.
Lễ ngày rằm tháng Giêng, cầu sức khỏe, bình an, tài lộc trở thành một trong những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón ngày rằm của người dân cũng ít nhiều thay đổi. Bởi cuộc sống có nhiều sự cạnh tranh khiến con người càng phải đối mặt với nhiều rủi ro, vì vậy rằm tháng Giêng đa số mọi người thường đi lễ chùa và giải hạn nhằm cầu mong sự phù hộ để có một năm an lành và làm ăn phát đạt. Mong rằng phong tục truyền thống tốt đẹp này sẽ được gìn giữ, tránh việc lấy ngày này để tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh”, gây ra những hậu họa cho xã hội.
Y.M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét